Nếu khởi tố doanh nghiệp, quyền của người mua nhà ở Đại Thanh được đảm bảo?

Đó là băn khoăn của người dân sống tại Khu đô thị Đại Thanh trước thông tin cơ quan Công an có thể khởi tố, làm rõ sai phạm tại dự án này.

Thông tin về hàng loạt sai phạm

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, tại phiên chất vấn Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội sáng nay 5/7, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, cho biết Công an Hà Nội đã nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp nhận kết luận của Thanh tra Thành phố xử lý vụ việc liên quan đến tội trốn thuế và vi phạm các quy định về quản lý nhà ở của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm chủ.

Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này ở 21 tỉnh thành trên cả nước.

Theo Tướng Khương, nếu để cơ quan điều tra của Công an Thành phố Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can các vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố thì sang tuần sau sẽ làm.

“Sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án, làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân để khởi tố bị can. Còn Bộ quyết định để Cục C46 khởi tố chung vi phạm ở 21 địa phương thì chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu mà chúng tôi đã điều tra, xác minh cho Bộ giải quyết” – Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội thông tin.

Trong dự án có nhiều sai phạm do doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư thì Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (Khu đô thị Đại Thanh thuộc xã Tả Thanh Oai – Thanh Trì – Hà Nội) nổi cộm hơn cả.

Vào đầu tháng 3/2017, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế Thành phố Hà Nội.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư tại dự án chung cư Đại Thanh.

Theo đó, chủ đầu tư dự án này vi phạm: Xây dựng khi chưa có quyết định giao đất; Chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chuyển nhượng bất hợp pháp, chưa nộp tiền sử dụng đất.

Theo kết luận thanh tra, dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Từ những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an để điều tra.

Trước đó, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội vào đầu tháng 8/2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ những sai phạm điển hình của chủ đầu tư tại dự án Đại Thanh như: Xây dựng không phép; Xây dựng quá chiều cao quy định; Xây cả vào khu không được phép xây như các vị trí quy hoạch dải cây xanh; Các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy không đủ, dân chưa cấp được sổ đỏ….

Khổ như dân Đại Thanh

Trước thông tin cơ quan công an có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can điều tra làm rõ sai phạm tại dự án của ông Lê Thanh Thản, chiều ngày 5/7 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại Khu đô thị Đại Thanh để trực tiếp lắng nghe chia sẻ của người dân.

Trao đổi với phóng viên tại căn hộ nhà riêng tầng 2, nhà CT10B một trong 6 tòa nhà cao tầng thuộc Khu đô thị Đại Thanh, bà Lê Thị Phương Nga – Trưởng Ban đại diện cư dân toàn nhà CT10B cho biết, người dân rất quan tâm tới thông tin cơ quan Công an có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can làm rõ vi phạm tại dự án của ông Lê Thanh Thản.

“Càng quan tâm hơn khi rất nhiều vấn đề bức xúc như phòng cháy chữa cháy, vấn đề cấp sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất – PV) cho người dân chưa được giải quyết”, bà Nga cho biết.

Theo bà Lê Thị Phương Nga, Khu đô thị Đại Thanh gồm 6 tòa nhà gồm CT10A, CT10B, CT10C, CT8A, CT8B và CT8C, trong đó chỉ duy nhất toà CT10B là có ban đại diện cư dân.

Mỗi tòa được xây dựng 32 tầng, mỗi tầng 20 căn hộ.

Với hơn 600 căn hộ mỗi tòa nhà mật độ dân cư trật trội không gian sinh hoạt nhỏ hẹp.

Ngoài chật hẹp về không gian sống, theo bà Nga, người dân sống tại Khu đô thị Đại Thanh đang có chung 2 bức xúc:

Thứ nhất là việc người dân sống tại tầng 2 đến tầng 4, tầng 30 đến tầng 32 của các tòa nhà không được cấp sổ hồng.

“Ngay như gia đình tôi, sống ở tầng 2 theo thiết kế của tòa nhà thì từ tầng 1 đến tầng 5 là khu thương mại, văn phòng, nhưng khi dự án giao bán trên sàn người dân như tôi chỉ biết mua.

Khi mua về lúc đi làm thủ tục mới vỡ lẽ tầng 2 không được thiết kế căn hộ. Tương tự từ tầng 30 đến 32 là xây trái phép vượt tầng vì dự án chỉ được xây 29 tầng.

Vấn đề dân chúng tôi bức xúc là chủ đầu tư sai như vậy, chào bán sai với thiết kế nhưng cơ quan quản lý nhà nước không ngăn chặn, xử lý. Khi người dân mua nhà về ở lại không được làm thủ tục cấp sổ”, bà Nga cho biết.

Theo bà Nga, chính vì không được cấp số hồng nên dù có nhà nhưng bà không được nhập hộ khẩu, từ năm 2014 đến nay vẫn là cư dân tạm tạm trú, khi có bất kỳ công việc gì liên quan đến giấy tờ bà phải về nơi đăng ký hộ khẩu là Thái Nguyên để làm thủ tục.

Thứ hai là nguy cơ cháy nổ và điều kiện phòng cháy chữa cháy. Bà Nga cho biết, phải sau khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội kiểm tra phát hiện sai phạm chủ đầu tư mới thiết kế, bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy.

“Tuy nhiên thiết kế về phòng cháy chữa cháy như thế nào có đúng hay không, cư dân chúng tôi không được biết. Thiết kế phòng cháy chữa cháy ngầm chúng tôi không biết nhưng với thực tế hiện nay nếu cháy dân chúng tôi không thể thoát.

Bởi ngay tầng 1 chủ đầu tư đã bán cho các hộ xây dựng ki-ốt kinh doanh, trong đó có cả kinh doanh đồ ăn, nhà hàng dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Mặt khác mỗi ki-ốt đều thiết kế mái che ra từ 1,5 – 2m thậm chí rộng hơn. Nếu cháy ở các tầng phía trên xe cứu hỏa khó tiếp cận, hoặc nếu cần chỗ trải nệm người dân nhảy xuống cũng không có”, bà Nga cho biết.

Một vấn đề khác cũng được cư dân Đại Thanh phản ánh nhiều năm nay là lượng xe trong hầm quá nhiều trong khi trạm biến thế đặt trong hầm.

Người dân lo ngại nguy cơ cháy chập điện dễ dẫn cháy nổ khi đó với lượng xe nhiều trong hầm thì không khác gì “quả bom” thiêu cháy tất cả.

“Những vấn đề này người dân chúng tôi phản ánh nhiều, lên cấp xã, huyện thì nói dự án chưa được bàn giao về địa phương quản lý. Phòng cháy chữa cháy xuống kiểm tra nghe phản ánh nhưng chưa thấy trả lời cho dân biết.

Người dân quan tâm lúc này là ai sai người đó chịu, nếu chủ đầu tư làm sai thì bị khởi tố điều tra, nhưng người dân phải được bảo vệ quyền lợi chính đáng”, bà Nga cho biết.

Cùng chung tâm trạng lo lắng quyền lợi người dân đặc biệt trong việc làm thủ tục hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, anh Nguyễn Quang Huân sống tại Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm cho biết, khi có thông tin cơ quan Công an có thể khởi tố điều tra sai phạm dự án của ông Thản nhiều người dân mua nhà cũng lo ngại thủ tục cấp sổ hồng.

“Ngay nhà tôi cũng chưa được cấp sổ hồng, tuy nhiên tôi nghĩ ai làm người đó chịu, khu HH Linh Đàm chủ đầu tư sai phạm xây vượt tầng, đó là sai phạm của doanh nghiệp còn người dân mua nhà đúng thủ tục pháp lý, có hợp đồng rõ ràng phải được cấp sổ”, anh Huân cho biết.

Giaoduc.net.vn