Những cái chết “lâm sàng” ở siêu dự án Usilk City

Ra đời tháng 12.2006, công ty CP Sông Đà Thăng Long (SĐTL) được giao làm chủ đầu tư dự án KĐT Văn Khê mở rộng (Usilk City, quận Hà Đông) với diện tích khoảng 92.000m2 đất. Trong thời gian 2009-2012, SĐTL và đơn vị thành viên đã thu hàng nghìn tỷ đồng từ người mua nhưng chậm bàn giao nhà cho khách hàng nhiều năm. Không chỉ cá nhân, nhiều nhà băng/tổ chức tín dụng khác cũng “dở khóc dở cười” với siêu dự án này.

Vốn 144 tỷ, SĐTL làm chủ đầu tư dự án hơn 9.400 tỷ đồng

Theo tài liệu Dân Việt có, sau khi được giao làm chủ đầu tư dự án Usilk City, từ cuối 2007 đến giữa 2008, SĐTL đã được UBND tỉnh Hà Tây (nay là UBND TP Hà Nội) phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chấp thuận dự án đầu tư, ra quyết định thu hồi đất, giao đất…

Khởi công dự án vào tháng 12.2008, trong 3 năm (2009-2012), SĐTL và Công ty CP Sông Đà Nha Trang – đơn vị thành viên của SĐTL đã ký hợp đồng vay vốn, hợp đồng bán nhà với trên 2.000 khách hàng, thu số tiền trên 4.000 tỷ đồng và cam kết bàn giao nhà vào cuối 2013. Tuy nhiên, SĐTL đã không thực hiện dự án đúng tiến độ, chậm bàn giao nhà cho khách hàng – gây bức xúc, ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng mua nhà tại dự án. Thậm chí, đã có một số khách hàng đâm đơn kiện ra Tòa án về việc chậm bàn giao nhà của chủ đầu tư.

Theo điều tra của Dân Việt, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thực hiện chậm tiến độ của dự án đến từ năng lực của SĐTL ở thời điểm được giao dự án. Cụ thể, tại mốc thời gian 31.12.2007, vốn chủ sở hữu của SĐTL là 144,602 tỷ đồng – chỉ bằng 1,54% tổng mức đầu tư của dự án (tổng mức đầu tư dự án là 9.408 tỷ đồng). Tức, SĐTL chưa đảm bảo năng lực theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15.10.2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS.

Hồ sơ mà Dân Việt có thể hiện rõ việc chậm tiến độ kéo dài của siêu dự án này. Theo Quyết định 2781/QĐ-UBND năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt và cho phép đầu tư xây dựng dự án, “thời gian thực hiện dự án 05 năm (giai đoạn 1 từ quý II/2008 đến quý IV/2009, đầu tư xây dựng HTKT và 50% hệ thống móng, tầng hầm; giai đoạn 2: đầu tư xây dựng hoàn thiện phần kiến trúc và các hạng mục công trình khác theo quy hoạch, đưa dự án vào sử dụng quý IV/2013)”. Tuy nhiên, chỉ tính tới cuối tháng 5.2016, thực tế công trình cho thấy dự án đã chậm tiến độ được duyệt là 30 tháng. Chi tiết, chỉ có các tòa nhà 101, 102, 103 cơ bản xong. Còn các tòa 104, 105, 106, 107, 108, 109 mới thi công xong phần móng, tầng hầm và bước đầu thi công phần thân.

Nhà băng “chết dở” vì Usilk City?

Theo tài liệu mà PV có, nhằm đầu tư dự án Usilk City, SĐTL đã huy động tiền từ các nguồn: Thu từ các khách hàng ký hợp đồng vay vốn, hợp đồng mua bán nhà; vay các tổ chức tín dụng cũng như huy động từ phát hành trái phiếu DN.

Đáng chú ý là những hợp đồng tín dụng mà SĐTL đã ký với các nhà băng để vay vốn đầu tư dự án. Điều tra cho thấy, SĐTL đã ký các hợp đồng vay vốn của 7 ngân hàng (bao gồm Agribank – chi nhánh Bắc Hà Nội; Techcombank – chi nhánh Hà Tây; ABBank – chi nhánh Hà Nội; MBBank – chi nhánh Mỹ Đình; Đại Á Bank; SHB – chi nhánh Hà Nội; BIDV – chi nhánh Thanh Xuân) và 2 công ty tài chính (Công ty Tài chính CP Sông Đà; Công ty Tài chính CP Điện lực) để phục vụ siêu dự án này. Theo đó, tổng số tiền vay và đã giải ngân là xấp xỉ 2.464,1 tỷ đồng.

Một chi tiết liên quan, là các tài sản đảm bảo cho các khoản vay nêu trên. Cụ thể, SĐTL đã sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các lô đất CT1, CT2, CT3, CT4 thuộc KĐT Văn Khê mở rộng (tức Usilk City); các tài sản hình thành trong tương lai trên các khu đất CT1-CT4; một số thiết bị, tài sản, BĐS khác của SĐTL và các cá nhân (theo các hợp đồng thế chấp).

Ở điểm này, đã xuất hiện sai phạm của chủ đầu tư trong việc huy động vốn phục vụ đầu tư dự án. Rõ nhất, để vay vốn từ các tổ chức tín dụng, SĐTL đã dùng quyền sử dụng các lô đất CT1, CT2, CT3, CT4 thuộc dự án và tài sản hình thành trong tương lai trên các lô đất này để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay trong khi đã tiến hành ký hợp đồng bán nhà với các khách hàng.

Thậm chí, trong các hợp đồng đã ký với người mua nhà, ghi nhận 335 hợp đồng bán nhà hình thành trong tương lai (tại các tòa 104, 105, 106, 107, 108) đến nay chưa bàn giao nhà cho khách hàng nhưng SĐTL đã thu tiền trên 70% giá trị hợp đồng – vi phạm khoản 1 điều 39 Luật nhà ở 2005.

Liên quan tới quá trình sử dụng hàng nghìn tỷ đồng huy động vốn (trong đó có vay từ nhà băng) một cách dàn trải, kèm hiệu quả và “khó thu hồi vốn” của SĐTL, Dân Việt sẽ phản ánh trong một bài viết khác.

Nguồn: Danviet.vn